Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM năm 2015 là 265.000 chỗ làm việc; thị trường lao động tiếp tục tăng nhanh, phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh.
Nhu cần nhân lực khác nhau theo thời gian
Quý I/2015, nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn, nghiên cứu thị trường , thư ký văn phòng , người dẫn chương trình, xây dựng, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc nhà, giao hàng, nhân viên bảo vệ, …. sẽ tăng cao trong tháng 1/2015 và tháng 2/2015. Tháng 3 xu hướng nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến như dệt may – giày da, chế biến thực phẩm, nhựa – bao bì, xây dựng, …Trong quý I/2015 nhu cầu khoảng 60.000 chỗ làm việc, trong đó 38% lao động phổ thông. Do nhu cầu ổn định công việc của người lao động và các doanh nghiệp thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt nên sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán 2015 sẽ không cao. Dự kiến mức thiếu hụt bình quân khoảng 4%.
Quý II/2015 và quý III/2015, tình hình kinh tế thành phố dự báo tiếp tục phát triển, thị trường lao động tăng trưởng ổn định. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng so quý I/2014, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của quý II/2015 khoảng 65.000 chỗ làm việc và quý III/2015 khoảng 70.000 chỗ làm, tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như : marketing - kinh doanh – bán hàng, cơ khí, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ ô tô – xe máy, nông – lâm nghiệp – thủy sản, dệt may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa – hóa chất, dịch vụ - phục vụ, điện – điện tử, …
Quý IV/2015, nhu cầu khoảng 70.000 chỗ làm, việc tuyển dụng nhân sự chú trọng chất lượng, trình độ, tiếp tục là xu hướng của năm 2015 và sẽ diễn ra mạnh hơn. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như: dệt may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, dịch vụ - phục vụ, bán hàng, nhân viên kinh doanh.
Dự báo về xu hướng năm 2015 và các năm tới, thị trường lao động tiếp tục tăng nhanh phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với các năm trước, nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.
Có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam cần quan tâm nhất là: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả.
Năm 2014: mức lương khu vực công nghiệp, xây dựng cao nhất
Phân tích kết quả khảo sát tại tại 3.500 doanh nghiệp vào quý 2 và quý 4/2014 cho thấy, mức tiền lương trả cho người lao động trong khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức tiền lương thấp nhất, cụ thể: khu vực công nghiệp – xây dựng, tỷ lệ lao động có mức tiền lương dưới 3.000.000 đồng/người/tháng chiếm 3,26% tổng lao động, chủ yếu là ngành khai khoáng; từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/người/tháng chiếm 27,68%; từ 5.000.000 – 8.000.000 đồng/người/tháng chiếm 35,34%; từ 8.000.000 – 10.000.000 đồng/người/tháng chiếm 19,44%; mức tiền lương trên 10.000.000 đồng/người/tháng chiếm 14,27% tập trung ở ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí.
Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tỷ lệ lao động có mức tiền lương dưới 3.000.000 đồng/người/tháng chiếm 10,34% tổng lao động, từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/người/tháng 34,48%; từ 5.000.000 – 8.000.000 đồng/người/tháng chiếm 31,03%; từ 8.000.000 – 10.000.000 đồng/người/tháng chiếm 17,24%; mức tiền lương trên 10.000.000 đồng/người/tháng chỉ chiếm 6,90%.
Ở khu vực dịch vụ, tỷ lệ lao động có mức tiền lương dưới 3.000.000 đồng/người/tháng chiếm 4,15% tổng lao động, chủ yếu là ngành phục vụ, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống, mức tiền lương dao động từ 3.000.000– 5.000.000 đồng/người/tháng 31,40%; mức tiền lương từ 5.000.000–8.000.000 đồng/người/tháng chiếm 34,81%; từ 8.000.000 – 10.000.000 đồng/người/tháng chiếm 17,97%; trên 10.000.000 đồng/người/tháng chiếm 11,66%, tập trung ở ngành hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, giáo dục và đào tạo.
Lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh là lao động phổ thông, sơ cấp nghề khoảng 3 – 5 triệu đồng/tháng. Mức lương bình quân lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng từ 4,5 triệu – 8 triệu đồng/tháng và mức lương bình quân lao động có trình độ đại học vào khoảng từ 5 triệu - 10 triệu đồng/tháng; nhân viên làm quản lý – lãnh đạo có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng; nhân viên hành chính, phục vụ và lao động chuyên môn nghiệp vụ (kế toán, tài vụ…) có mức lương bình quân từ 4 – 8 triệu đồng.
Nguồn Khoahocphothong.com.vn